Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Kỷ niệm chuyến du lịch Hà Nội-Sapa

    Trong những mơ ước của mình Sapa là nơi mình mong muốn đến nhất, cùng với Sóc Tím lên kế hoạch cho chuyến du Xuân rất kỹ lưỡng nhưng gần đến ngày đi Sóc Tím tuyên bố "Chị không đi được" làm mình hơi hụt hững dù có con trai trưởng đi cùng. Sau khi tổ chức Sinh nhật cho cháu nội Bo được 2 tuổi, mình chỉ kịp xếp vội đồ đạc vào vali thì xe đã đến đón vào Sài Gòn để bay ra Hà Nội. Đến Sài Gòn trước mấy tiếng hẹn Sóc và TM uống cà phê, nhưng ngồi đợi hơn 2 tiếng mà các cô nàng chưa đến, sợ lỡ chuyến bay đành hẹn lên Sân bay gặp nhau, thế là khi đi mình cũng đã có người đưa tiễn, thích thật, Sóc tím vội cài lên áo mình nhành hoa bằng inox và hạt lấp lánh để mình nhớ trong chuyến đi có Sóc bên mình còn TM cẩn thận đem cho mình nhiều khăn quàng, áo măng tô để cho X đở lạnh, ôi thật là người xứ nóng ra Bắc trong mùa rét nàng Bân lo xa như thế đó.
    Bước chân xuống Sân bay trời tạnh mưa, từ Nội Bài về khách sạn em Tài xế cứ xuýt xoa cho sự chậm trễ vì mưa, đường phố lầy lội v.v... mà thật đó Hà Nội sau cơn mưa đường phố nhếch nhác, xe cộ bùn văng lên tận đỉnh xe, người người vội vã không nhẩn nhơ như tâm trạng của hai mẹ con mình, ghé quán phở gia truyền để thưởng thức món ăn nổi tiếng của miền Bắc vì trên máy bay hai mẹ con chẳng thể nào nuốt nổi những món ăn nhạt nhẽo đó và dù rất đói nhưng không thể nào mình dùng hết một tô phở thật to và nhiều bánh phở như thế, hương vị thật ngon và đậm đà, nước phở trong vắt và gà thật ngon nhưng mình vẫn thấy thiếu một chút tương, giá đỗ, rau quế và ngò gai như phở trong miền Nam.
    Đến Khách sạn hai mẹ con mình mệt lả nên điện thoại cho bạn bè hẹn gặp vào ngày mai để đi ngủ sớm vì tính ra hơn 24 tiếng rồi mình chưa chợp mắt tí nào, nhưng cô bạn thân ở Đà Nẵng theo chồng ra Hà Nội nghe tin đến thăm nên hai đứa tâm sự mãi đến hơn 10 giờ vẫn còn chưa đã, thôi rủ nhau đi du lịch cùng Sapa để kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện hầm bà lằng. Sáng mai thức dậy hai mẹ con xuống phố cổ ăn sáng, món Bún chả ở Hàng Mành chưa bán nên đành ăn bánh cuốn thôi, dạo quanh phố cổ với tâm trạng rất phấn khởi chờ đợi cho buổi gặp mặt trưa nay với chị Hoa Hồng  gai, Hoàng Hôn tím, anh Thanhthuoc và Người lẩm cẩm, tuy chỉ mới lần đầu gặp mặt nhưng mình thấy như quen lắm vì ngày nào không thăm và nhìn ảnh nhau trên blog yahoo, cô bạn mình tuy không mặn mà với blog thế mà gặp những blogger này cô bạn cũng thấy vui và đầy thân tình, từ ảo ra thật nhưng không giả dối và rất chân tình, cô bạn xuýt xoa khen ngợi và xóa hết trong suy nghĩ những điều không tốt về blog. Chia tay chị Hoa Hồng gai và em Hoàng Hôn tím đầy quyến luyến và những giây phút gặp gỡ qua đi thật nhanh, chụp với nhau nhiều ảnh và nhất là tại nhà chị Hoa Hồng gai lần đầu tiên mình thưởng thức món Bưởi Diễn rất ngọt và thơm hơn cả Bưởi Năm Roi, Bưởi Da Xanh ở miền Nam.
    Khuya hôm sau bọn mình lên Ga Trần Quý Cáp để đi lên Lào Cai và đi ô tô đến Sapa, đi theo tour du lịch nên không thú vị lắm vì phong cảnh núi rừng rất đẹp nhưng chẳng được dừng chân để chụp hình kỷ niệm, Sapa mùa này thật đẹp, tuy không có tuyết và hoa đào nhưng cả phố xá phủ sương mù, thời tiết se se lạnh đủ ửng hồng đôi má trong rất dễ thương và lãng mạn, nếu có Sóc chắc sẽ sáng tác nhiều bài thơ hay, nghĩ và thật tiếc cho Sóc quá đi thôi. Theo Tour trước tiên sẽ đi thăm bản Cát Cát, chiều tự do đi chơi, hôm sau là leo núi Hàm Rồng và đi Hà Khẩu - Trung Quốc. Mình tự tin cho việc đã đi bộ hàng ngày nên cười tươi khi HDV dẫn đoàn mình chỉ có 8 người trong đó có một khách nước ngoài bắt đầu cuộc hành trình đi bộ khám phá bản Cát Cát, thế mà chỉ hơn 4 Km đi bộ và leo lên hai cái dốc mình đã thở phì phò, phân trần với mọi người tại trước khi lên Tàu hỏa mình đã bị sốt và nhức đầu, nhưng mình vẫn cố lê lếch cho đến bản thôi, tuy chẳng như mình tưởng tưởng nhưng trong sương mù mọi cảnh vật đều trong rất huyền ảo, lung linh, các khách nước ngoài thích thú sắm sửa những món hàng lưu niệm còn bọn mình chỉ ngắm nhìn mà thôi vì nếu mua cũng chẳng bao giờ mình mặc được và hình như các mặt hàng đa số là của Trung Quốc đấy thôi, dân bản thân thiện và các nàng H'Mông nói tiếng Anh bồi như gió nên cũng thấy vui vui.
    Sau một giấc nghỉ trưa dài bọn mình dạo phố Sapa đầy sương mù, ghé thăm Nhà thờ Đá nổi tiếng và chợ Sapa, thì trời đã sẩm tối, vội vã về lại KS nghỉ ngơi để mai còn có sức leo núi Hàm Rồng. Cô bạn ăn sáng xong là uống thuốc say sóng ngay vì ngỡ họ sẽ cho xe đưa đi đến núi HR nhưng ai ngờ phải đi bộ đến đó thôi nên thuốc đã ngấm mà không đi xe làm cô bạn mình say thuốc còn mệt hơn say xe nên sau khi lên gần đến đỉnh và xem văn nghệ xong là bọn mình tách khỏi đoàn để xuống núi trước thôi.
    Chiều đi Hà Khẩu mình chẳng phấn khởi tí nào vì bị sốt trở lại, bệnh viêm xoang tái phát sau hơn 10 năm ngủ yên làm mình nhức đầu như búa bổ, bơ phờ, mệt mỏi nên chẳng thích thú sắm sửa gì, cũng ráng đi cho hết hành trình và cũng vì tiếc cho tiền xe điện mà mình phải trả thêm khi sang TQ, khi về lại cả đoàn mới biết mình bị lừa vì đi 8 người mà đến 3 HDV hướng dẫn và bắt buộc thuê 3 xe điện đưa đi, cả đi và về chỉ khoảng 4 Km mà mỗi xe đến 500 - 700 ngàn đồng VN, dù bên đó giá xe điện rất rẻ chỉ vài chục ngàn cho chuyến đi như thế.
    Lên máy bay về lại SG mình mới giật mình là chẳng có quà gì cho gia đình và bạn bè, may mà có hộp kẹo Sìu Châu - Nam Định của chị Hoa Hồng Gai tặng để cho con mà thôi còn bạn bè chỉ cười trừ. Mấy ngày du lịch mình bị nhức đầu và mệt nên tội nghiệp con trai dù lần đầu ra Hà Nội vẫn chưa đi thăm ở đâu cả, chỉ ngồi trên xe ngắm phố phường và đi ngang những nơi con hằng ao ước được đến, về đến nhà ai hỏi cũng chỉ trả lời " có đi ăn Bún chả, Chả cá Lã Vọng và  đi ngang qua Lăng Bác, Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn, Hồ Bảy Mẫu v.v...
    Bây giờ ngồi nhớ lại những ngày du lịch vừa qua với tâm trạng vui buồn lẫn lộn và thấy tiếc nuối những điều chưa thực hiện được, hy vọng sẽ có dịp khác mình sẽ toại nguyện hơn.


   

P3200555.JPG


P3210712.JPG






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]