"Mẹ! Mẹ dẹp ba cái gáo dừa của mẹ đi! Để
dành thời giờ lo việc gia đình còn hay hơn!"... Trời mưa lớn, một góc
nhà chị Thanh bị dột. Đang loay hoay với đống gáo dừa, nghe đứa con trai
lớn "dạy đời", như giọt nước tràn ly, ngay tức thì, chị vung tay tát
cậu thật mạnh...
Tạo thương hiệu từ những cuộc thi
Đời chị là một chuỗi tình cờ, đầy nghịch cảnh. Thế nhưng chị đã sống
hết mình với đam mê, bắt đầu có những thành công nhất định dù còn đơn
độc.
Ít vốn, chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty Dừa Việt, ở đường
số 9, P.Bình An, Q.2, TP.HCM, tranh thủ xây dựng thương hiệu bằng cách
tham gia những cuộc thi sáng tạo khoa học. Liên tiếp hai năm 2003 - 2004
chị nhận giải nhì về vật liệu phẳng và giải khuyến khích về tranh gáo
dừa bóc lớp từng phần, tại Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM.
Tháng 10.2006, phác thảo bức tranh Việt Nam quê hương tôi bằng chất
liệu gáo dừa của chị được Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ đầu tư 100 triệu
đồng. Vị này nói về chị: Thật đáng nể một phụ nữ cật lực bươn chải, để
biến ước mơ thành hiện thực.
Chết mê con rùa
"Trời ơi! Vân gỗ dừa sao mà đẹp dữ vậy!", chị thốt lên. Đó là khoảng
năm 1986, khi còn làm kế toán kho cho Công ty Lâm sản Sài Gòn, chị tình
cờ gặp một thanh gỗ dừa nằm lăn lóc trên bàn làm việc. Vậy là chị ấp ủ
một ước mơ: Cố làm có tiền để cất một căn nhà từ vật liệu đến vật dụng
toàn bằng gỗ dừa.
Năm 1999 - 2000 chị thực hiện được ước mơ của mình tại ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi.
Và khi chị Thanh lặn lội về Bến Tre, tìm mua những vật dụng bằng dừa,
chị đã bị con rùa ốp bằng gáo dừa hút hồn. Chợt trong đầu chị xuất hiện
cảm nhận: "Nếu gáo dừa vào tay mình sẽ đẹp, sẽ giá trị hơn nhiều!", chị
kể. Cảm nhận này lóe lên trong chị "nhanh như mối tình sét đánh".
Càng mày mò, chị càng... "đắm đuối" chất liệu bình dị này. Chị nhận
định: "Gáo dừa không chỉ có công dụng đa năng như ông bà ta thường nói
"Lành làm gáo, vỡ làm muôi". "Đây là chất liệu gỗ đặc biệt, dạng sừng
hóa nên rất cứng, bền, dùng lâu càng bóng. Hoa văn tự nhiên của gáo dừa
đẹp huyền ảo, theo nguyên tắc vết dầu loang. Cái đẹp của nó không chất
liệu nào có được. Bản thân miếng gáo dừa đã có năm - bảy sắc độ, từ ngà
sang nâu. Những sắc độ này rất mong manh, chỉ cần người thợ xử lý quá
tay thì lớp hoa văn đó sẽ mất ngay. Và tôi muốn bắt gáo dừa thức dậy!".
Gặp ai, chị cũng tranh thủ "minh oan" cho vật liệu này như thế.
Có những đêm chị thức đến gần sáng để mân mê, lẩm bẩm chỉ với chiếc
nắp hộp mứt bằng gáo dừa. "Ngày tôi bận tối mặt với chuyện cơm áo gạo
tiền. Chỉ có đêm, tôi mới sống trọn vẹn với những ý nghĩ của đam mê -
gáo dừa", chị bộc bạch. Mặt khác chị bảo rằng, "chơi" với gáo dừa không
chỉ giúp chị thỏa đam mê, mà còn giúp chị hiểu người và đời hơn. Cụ thể:
Mọi người đến với chị vì quý mến hay lợi dụng!
"Lên bờ xuống ruộng" vì thợ
"Để có được một ê-kíp thợ như ngày nay, cô Thanh đã phải đổi ba tốp
rồi đó - trầy trật lắm!" - ông Thúy quản lý xưởng của chị ở Củ Chi kể.
Chị Nguyễn Thị Lành, quê Long An, một trong những thợ còn trụ lại với
chị hơn 6 năm kể thêm: Ông kỹ thuật trưởng muốn cô Thanh phải làm theo ý
và phụ thuộc ông. Không xong, ông quay sang lung lạc thợ, xúi họ nghỉ
việc. Thêm tính cô Thanh hay cầu toàn. Có khi bức tranh sắp hoàn chỉnh,
cô bắt tháo ra làm lại cả chục lần vì chưa có "hồn". Suốt hai ba năm
trời cô cứ bắt họ làm thử, khiến không ít người ái ngại về "cửa" ra cho
công ty. Đa số họ nản chí, bỏ đi. Vậy là cô Thanh phải tất tả về Bến
Tre, Long An, lên mạng tìm thợ từ miền Bắc và các nơi khác. Rồi cô lại
loay hoay huấn luyện họ tiếp - mất thêm vài năm.
Hoa văn tự nhiên của gáo dừa đẹp
huyền ảo, theo nguyên tắc vết dầu loang. Cái đẹp của nó không chất liệu
nào có được. Bản thân miếng gáo dừa đã có năm - bảy sắc độ, từ ngà sang
nâu. Những sắc độ này rất mong manh, chỉ cần người thợ xử lý quá tay
thì lớp hoa văn đó sẽ mất ngay. |
Ước mơ thành hiện thực
Hiện một resort, nhà nghỉ ở Mũi Né và Bình Dương đã dùng thử gạch ốp
lát bằng gáo dừa của chị. Có vài công ty ở Mỹ đã yêu cầu chị gửi hàng
mẫu sang để họ dùng thử. Một doanh nhân ở TP.HCM đã quyết định góp vốn
hợp tác với chị mở thêm công ty tại thành phố Vũng Tàu. Một khách hàng
khác ở Hà Nội muốn làm đại lý độc quyền cho Công ty Dừa Việt. Gần đây,
Công ty Hoàng My đã đặt chị hai lô hàng trị giá hơn 50 triệu đồng để
xuất sang Ai Cập. Chị vừa cùng những cộng sự thử nghiệm thành công tranh
bóc lớp từng phần trên mỗi chiếc gáo dừa. Hiện chị đang chuẩn bị xuất
lô hàng ván trang trí bằng gáo dừa, trị giá gần 60 triệu đồng sang
Singapore.
"Bảy năm ròng, tôi đơn độc thực hiện ước mơ. Nay tôi bắt đầu an tâm
cho hướng phát triển kinh doanh của mình. Cái giá như vậy cũng không quá
đắt", chị Thanh đúc kết.
Thành quả đầu tiên của chị trong nghề làm gáo dừa là bán được bức
tranh giá 100 triệu đồng. Thế nhưng vài người thân nhất của chị vẫn
"dửng dưng" với thành quả này. Trong khi đó, người giúp việc cho chị thì
"mừng ơi là mừng!". Những lúc như vậy chị hụt hẫng "kinh khủng". Hơn cả
khi trong túi chị còn chưa tới hai ngàn đồng - nhà lại hết gạo nấu,
tiền phụ cho chồng học Đại học Luật chưa xoay sở được.
Tuy nhiên, với lớp trẻ chị tâm tình: "Với bất kỳ một chất liệu nào,
nếu bạn có sự say mê và trí tuệ thì có thể nâng nó thành một sản phẩm
giá trị. Bạn cứ làm cái gì bạn thích, nếu không bạn sẽ không làm được gì
cả cho cuộc sống này!".
"Thà để người ganh ghét!"
"Tuy ba má ngại xa, nhưng anh nghĩ vì em là công nhân!"... Đã gần ba
mươi năm - và có lẽ đến ngày nhắm mắt - chị vẫn nhớ như in những dòng
nhật ký của người yêu đầu. Thế là chị quyết định phải có bằng đại học -
hai chứ không phải một! "Để khẳng định mình không vào đại học vì không
có điều kiện, chứ không phải vì mình dốt. Và tôi quyết sống thà để cho
người ta ganh ghét, chứ không khinh ghét", chị chua xót nói. Thời đó
không ít bậc cha mẹ xài chuẩn "phi cao đẳng bất thành phu phụ".
Tính cố chấp của chị đã bao năm vẫn không đổi. "Nhờ" vậy, chị mới vật
vã suốt bảy năm với chiếc gáo dừa. Hiện mỗi tháng chị vẫn phải chi gần
30 triệu đồng trả lương thầy, thợ; mặc dù lợi nhuận từ bán hàng gáo dừa
còn ít ỏi.
Giám đốc trội nam tính
 |
"Với bất kỳ một chất liệu nào, nếu bạn có sự say mê và trí tuệ thì có thể nâng nó thành một sản phẩm giá trị".
|
Chị "vô phước" chào đời trong một xóm toàn con trai, ở P.15, Q.Bình
Thạnh, TP.HCM. "Hồi đó, trò nào của đám con trai cùng xóm, nhỏ Thanh
cũng tham gia. Nó thua nhiều hơn thắng”. Anh Phạm Bắc Đẩu - bạn cũ chị ở
quận 7, TP.HCM, kể vậy. Tròn 14 tuổi, chị vào bộ đội, vẫn sống và làm
việc với toàn "đực rựa". "Thế nên Giám đốc Thanh ngày nay trội nam tính
hơn", chị tự nhận định.
Mẹ chị kể: Con khỉ ấy rất thích sáng tạo, tay chân luôn "táy máy".
Bốn năm, tuổi nó đã nhặt những chiếc móc len hư của mẹ chế lại thành
trâm cài tóc, đem bán cho cho chúng bạn lấy vài đồng ăn vặt. Cũng có vụ
nó trúng lớn một "hợp đồng"... miệng với đứa bạn dốt toán chung lớp: hai
đồng cho một ngày giải toán mướn (tiền cữ cho học trò con nhà khá giả
lúc đó chỉ có một đồng/ngày). "Phi vụ" này kéo dài gần một năm thì bể,
do mẹ của cô bé kia phát hiện ra. Bà vội "méc" lại mẹ chị, khiến chị
phải ăn đòn.
Mười tuổi, bé Thanh đã lén tháo tung cái máy may trong nhà để tìm
hiểu xem làm sao nó có thể dệt chỉ đều, đẹp như nhau cả hai mặt vải.
Cũng có chuyện bé Thanh chuyện "trộm" quần sờn của mẹ, cắt thành quần
mới cho mình. Thời đó, kiểu quần tây nhấn ly, cài nút đang "hót". Thế
nhưng tác phẩm... quần của bé Thanh còn đi trước thời đại vài chục năm,
bởi bé không biết cách xếp ly quần. Cho nên bé Thanh ráp tác phẩm của
mình thành một chiếc quần cài nút, ly trơn. Chị cả chị Thanh kể như thế.
Đọc và hiểu nhanh cũng là một biệt tài khác của chị Thanh. Hai lần
học đại học, chị đều bận nuôi con nhỏ, còn phải lo làm thêm kiếm tiền.
Có lần chị dám thi vượt cấp. Nhờ vậy, chị học chuyên ngành Nga văn
Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM, mới ba năm rưỡi đã tốt nghiệp. "Tuy tôi không
học bài nhưng tôi tranh thủ đọc nhiều. Vả lại bận đó cũng hên, tôi gặp
dạng đề thi mở", chị bật mí.
Làm những nghề tréo ngoe
"Đời tôi là một chuỗi lỡ làng và tréo... cẳng ngỗng", chị cười buồn
nói thêm. Thời đi bộ đội, chị học điện báo viên nhưng không được làm vì
sức khỏe yếu. Cuối 1979, chị khăn gói sang Liên Xô học nghề cắt phay
bánh răng cưa. Nhưng khi chị về lại quê hương, được phân công làm phiên
dịch hiện trường - tiếng Nga - ở Long Bình. Cũng có lúc chị học Đại học
Nga văn, nhưng khi ra trường lại làm kế toán kho. Hoặc chị học ngành
châu Á học, lại phải đi làm giao nhận lúc ra trường. Đến nay chị vẫn còn
làm nghề tay trái này để trang trải lương thợ, thầy cho công ty mình.
Tuy nhiên chị đã mất hơn 2/3 lượng khách "ruột", do mãi lao theo gáo
dừa. Và chị đang nung nấu thêm nghề bán ý tưởng, để lấy ngắn nuôi dài.
Tạ Tri
|