Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Dừng chân ở xứ sở của cát trắng mêng mông


Sẽ không công bằng nếu như không giới thiệu về Phan Thiết, nơi hoxuanu đã sống và công tác hơn 31 năm, Hoxuanu xin giới thiệu với các bạn bài viết và hình ảnh về dòng sông Cà Ty chảy ngang qua trung tâm thành phố. Tài liệu này X sưu tầm trên báo Bình Thuận.

Dừng chân ở xứ sở của cát trắng mênh mông, của nắng vàng ngợp trời và đầy sắc xanh êm đềm của biển, du khách sẽ thấy ấm lòng hơn bởi câu ca ngọt ngào mời gọi, mang cả sự phóng khoáng của người dân xứ biển:
"Ai về Bình Thuận quê tôi
Mà xem Mũi Né , Hòn Bà, Đồi Dương
Hòn rơm Bầu Trắng mến thương
Lầu Ông Hoàng đó , Gành Sơn ,Tháp Chàm..."
Đến với Bình Thuận du khách cũng đừng quên ghé thăm qua Đình Vạn Thủy Tú linh thiêng , hay trường Dục Thanh – nơi khởi đầu cuộc hành trình của nhà giáo Nguyễn Tất Thành. Vào mùa lễ hội, du khách đến đây sẽ thấy hào hứng hơn với các trò chơi dân gian độc đáo như : đua thuyền trên sông Cà Ty, leo núi Tà Cú, chạy việt dã qua đồi cát…..

Sông Cà Ty

 Sông Cà Ty là họp lưu của sông Ta Da và sông Móng, chảy theo hướng Đông Nam qua địa bàn Thành phố Phan Thiết , tỉnh Bình Thuận. Con sông Cà Ty ngày nay vẫn êm đềm chảy, lúc cạn lúc sâu theo từng con nước. Nhịp sống trên sông vẫn quen thuộc với những con thuyền của ngư dân miền biển, vẫn tiếng ghe máy cành cạch trên sông xuôi dòng ra biển cả.

Sông Cà Ty ngày nay đẹp hơn – đó chính là cảm nhận của không ít người khi quay về Phan Thiết, cảm nhận ấy bắt nguồn từ sự đổi thay của thành phố biển: bờ kè hai bên dòng sông được xây dựng thay thế hình ảnh những chiếc nhà chồ tạm bợ của ngư dân làm cho không gian dòng sông rộng hơn, đứng bên tượng đài Trần Hưng Đạo có thể thấy được một khung cảnh sinh động của cuộc sống hai bên bờ kè

Đặc biệt, Bảo tàng Hồ Chí Minh và di tích Dục Thanh - nơi Bác Hồ dừng chân dạy học cũng nằm cạnh con sông thơ mộng này đã tạo nên một dấu ấn rất riêng biệt với mọi người dân địa phương và cả du khách phương xa tìm về.

Sông Cà Ty nhìn từ góc độ nào cũng mê đắm lòng người - một nghệ sĩ nhiếp ảnh người địa phương chia sẻ.


Dòng sông nằm giữa trung tâm chia thành phố thành hai ngạn gồm khu thương mại ở ngạn Nam và khu cơ quan hành chính ở ngạn Bắc, và đây cũng là dòng sông có đến ba chiếc cầu bắc qua trong một quần thể không gian hài hòa.

Với người dân Phan Thiết, dòng sông Cà Ty có từ bao đời nay gắn bó với họ cùng những thăng trầm của cuộc sống, là nơi chở che cuộc sống của nhiều người mà còn mang trong đó những nét văn hóa đặc sắc của địa phương với các hoạt động thả hoa đăng vào dịp lễ hội Nghinh Ông hay lễ hội đua thuyền truyền thống, bắn pháo hoa trong dịp Tết nguyên đáng
Và đặc biệt, trong dịp lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng Bình Thuận và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, dòng sông đã được tô điểm với đèn hoa rực rỡ tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của con sông hiền hòa này
Trong cuộc sống hàng ngày, nó còn là nơi tìm đến của những người thích thư giãn cùng chiếc cần câu cá khi nước triều lên cao, là nơi hóng mát của người già, em nhỏ khi chiều về, và cũng là nơi nhiều du khách tò mò khám phá cảm giác đi thuyền trên dòng sông để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mênh mông của sông nước vùng biển.
Dòng sông Cà Ty bao đời vẫn trôi về biển lớn theo quy luật của tự nhiên. Và dòng chảy của con sông hiền hòa ấy đã điểm xuyến cho Phan Thiết một điểm nhấn độc đáo, luôn ẩn hiện trong lòng mọi người dân phố biển Phan Thiết và ấn tượng với du khách phương xa tìm về.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Đà Nẵng yêu thương

Buồn quá nên không viết được gì cả, Hoxuanu xin chép lại bài báo nói về TP Đà Nẵng .
Mặc dù chưa có bất cứ tổ chức nào công bố nhưng theo nhiều chuyên gia và người dân trên cả nước nhận xét, Đà Nẵng hiện được đánh giá là “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”.
Những chuyện “hổng” giống ai 
Nhắc đến Đà Nẵng là người ta thường nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có”, đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của thành phố này trong suốt những năm qua.
5 không - đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Sau 5 năm tích cực triển khai kể từ năm 2000, kết quả đạt được là mỹ mãn.
Sau "5 không", Đà Nẵng “dấn” thêm bước nữa đó là triển khai chương trình "3 có" - Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Do triển khai tích cực và có cách làm hiệu quả mà bình quân hằng năm Đà Nẵng đã giải quyết công ăn việc làm cho 30 - 32 nghìn lao động, hơn 9.000 căn hộ được dành cho những người thiếu chỗ ở. Trong khi đó, "Thành phố môi trường", một đề án mới đang được triển khai cũng có thể coi là hướng phát triển của việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.
Tuy nhiên, một việc khá nổi tiếng, đã đem lại bộ mặt khang trang và hiện đại cho Đà Nẵng mà ai cũng biết, nhưng lại chưa địa phương nào làm được đó là vấn đề giải phóng mặt bằng để làm đường. Không như các thành phố khác, khi giải phóng mặt bằng để làm đường, Đà Nẵng thường lấy vào 2 bên đường mới một khoảng không từ 30 đến 50 mét và sau đó quy hoạch bán đấu giá. Không chỉ dừng lại tại đó mà việc đấu giá những lô đất hai bên đường mới cũng sẽ tránh được việc lợi dụng biết trước quy hoạch để mua đất bên trong chờ ra mặt đường.
Một việc khác cũng chưa từng có tiền lệ đó là xây dựng bệnh viện ung thư và bệnh viện phụ nữ. Đối với bệnh viện ung thư thì ở Hà Nội hay TP HCM đã có nhưng đó là tiền do ngân sách nhà nước xấy dựng, còn ở Đà Nẵng là do các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp.
Đối với vấn đề thu hút nhân tài, tránh chảy máu chất xám, Đà Nẵng cũng có những “chiêu” tỏ ra rất cao tay đó là thành lập ra một trường trung học chuyên Lê Quý Đôn. Tất cả những em theo học ở đây đếu phải trải qua cuộc thi tuyển đầu vào gắt gao, không có chuyện nhờ vả, chạy vạy hay xin xỏ. Khi ra trường em nào xuất sắc sẽ được cho đi học tiếp ở nước ngoài, em nào giỏi học ĐH trong nước và tất cả đều được thành phố tài trợ kinh phí ăn học sau đó quay về được bố trí công việc phù hợp và đặc biệt phải cống hiến cho thành phố ít nhất là 7 năm.
Không chỉ tự ý làm mà chính quyền Đà Nẵng còn rất tôn trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà chuyên môn trong việc định hướng quy hoạch và phát triển Đà Nẵng trong những năm tiếp theo. Điển hình của việc cầu thị này là mới đây thôi thành phố đã mời các chuyên gia đầu ngành của mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, quy hoạch… đến dự hội thảo bàn về Ý tưởng xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố ngang tầm với các thành phố hiện đại Châu Á và thế giới. Tại cuộc hội thảo Đà Nẵng đã nhận được những góp ý rất chân tình, thiết thực và quý báu từ các nhà chuyên môn, các chuyên gia để biến Đà Nẵng thành một thành phố văn minh và hiện đại trong khu vực.
Hay như một việc mà không phải địa phương nào cũng làm được đó là tổ chức cuộc thi pháo hoa Quốc tế. Đây là một hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức định kỳ 2 năm một lần và đến nay đã trở thành sự kiện văn hóa giải trí gắn liền với thương hiệu của Đà Nẵng và đã thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng. Đây cũng là dịp để Đà Nẵng thúc đẩy việc quảng bá phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch.

“Nói không” với tệ nạn
Trong khi Hà Nội, TP HCM hay các đô thị lớn trên toàn quốc đang phải “vật vã” với tệ nạn đua xe trái phép và coi đó là vấn đề nan giải và chưa tìm ra cách giải quyết triệt để, thì đối với Đà Nẵng chuyện này lại trở thành chuyện nhỏ. ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng tâm sự “Chúng tôi không phải thức khuya, thức đêm để ngăn chặn nạn đua xe. Với Đà Nẵng, nếu đua xe sẽ bị tịch thu phương tiện bán và xung công quỹ để ủng hộ người nghèo, không có chuyện phạt, gọi điện hay nhờ vả xin xỏ. Đã nhiều lần Quốc hội chất vấn tôi và cho rằng Đà Nẵng làm sai luật, nhưng tôi đặt câu hỏi lại các đại biểu là đã có luật nào cho phép đua xe?. Đua xe không chỉ gây nguy hiểm cho kẻ đua mà còn gây nguy hại cho những người xung quanh nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm mạnh tay và đến cùng. Và thế là Đà Nẵng đã từ lâu không bao giờ có tệ nạn đua xe”.
Với người nghiện ma túy, khi phát hiện Đà Nẵng kiên quyết đưa đi tập trung cai nghiện mà không để ngoài xã hội nên đã tránh được nhiều tệ nạn, móc túi, cướp giật và đặc biệt là cướp của giết người. Không những thế, chính quyền Đà Nẵng còn treo thưởng cho những ai phát hiện ra người nghiện hút chích ngoài đường sẽ được thưởng tiền. Nhưng hình như kể từ khi đề ra quy định này vẫn chưa có ai được thưởng bởi dù người dân “lọ mọ” đến mấy thì cũng khó có ai phát hiện ra người nghiện ngoài đường.
Với vấn đề bạo hành trong gia đình, Đà Nẵng đã có sáng kiến có một không hai đó là đích thân Bí thư thành ủy ký giấy mời và đứng ra gặp hơn 130 ông chồng hay đánh vợ đến để khuyên nhủ. Sau khi được đích thân Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh ân cần tâm sự và khuyên nhủ thì tất cả các ông chồng trên đều tự nguyện ký vào cam kết sẽ không đánh vợ nữa. Bên cạnh đó các bà vợ hay bị chồng ngược đãi cũng được các cấp hội phụ nữ thành phố tư vấn cách ứng xử làm thế nào để giữ được hạnh phúc gia đình. Nhờ có những chính sách đặc biệt đó mà việc bạo hành trong gia đình tại Đà Nẵng đã giảm rõ rệt, dịp Tết vừa qua đã có gần 100 ông chồng được thành phố mời đến tặng bằng khen và thưởng tiền với mức 500.000 đồng một người.
Một việc làm khá khó và vô cùng tế nhị đó là giáo dục trẻ em chậm tiến thì cách làm của Đà Nẵng cũng khá độc đáo đó là đưa các em tới thăm trại giáo dưỡng, thăm nhà giam phạm nhân lớn tuổi và cuối cùng là cho các em đi du lịch cáp treo tại Bà Nà. Theo ông Thanh giải thích đó là thành phố muốn các em chứng kiến cảnh phải tù túng vất vả trong tù khi phạm tội và cuộc sống tự do vui tươi ở ngoài, nhằm động viên các em hãy sống tốt để có thể hưởng thụ cuộc sống vui tươi ở ngoài đời. Việc giáo dục này đã phát huy rõ rệt và tỷ lệ trẻ em phạm tội ở Đà Nẵng hiện thấp nhất trong cả nước.
Và còn rất nhiều chuyện khác biệt đã tạo nên một Đà Nẵng văn minh, hiện đại, xanh sạch đẹp như ngày hôm nay. 

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Không đề

Hôm nay là ngày giỗ anh, không biết các bạn anh còn nhớ không nhưng riêng em mỗi lần đến ngày này thì nhớ đến anh rất nhiều, em nhớ cách đây 31 năm những đêm trăng trên công trường thi công Cầu Máng trên kênh N8 – Công trình Trạm bơm Võ Xu anh thường đánh đàn và hát những ca khúc của Đoàn Chuẩn - Từ Linh cho em nghe, em ngây thơ và không hề biết anh đã yêu em từ dạo đó, anh đã yêu một đứa con gái từ thành phố Đà Nẵng vào đến tận rừng núi của Đức Linh để giám sát thi công, yêu đứa con gái không có một người thân bên cạnh, bơ vơ ở chốn xa lạ, yêu và yêu những vất vả mà nó phải chịu đựng vì không có một lý lịch trong sạch để bước vào đời, thương cho con gái rượu của một gia đình phải lặn lội suốt ngày giám sát công trình để đêm về ngồi nhớ quê, nhớ Ba Mạ, nhớ gia đình, bạn bè, nhớ  phố phường, nhớ hàng phượng vĩ trước nhà và nhớ người yêu đầu tiên đã xa của nó nữa. Anh đã không nói gì và anh cứ tưởng là em đã biết cho đến khi em yêu H thì anh mới ngỏ lời yêu em và cứ hỏi em mãi một câu ‘H nó hơn gì anh’. Em chỉ cười và quay đi để lại cho anh bao đau khổ, ngày cưới của em anh cũng đến chúc mừng hạnh phúc và khi đó anh cũng gần cưới một cô gái ‘Bắc Kỳ’ tuy không yêu nhiều như đã yêu em, nhưng lúc đó anh chỉ nghĩ có vợ với một lý lịch trong sạch vẫn tốt hơn vì anh đã nếm mùi khi anh đã học giỏi và đang là sinh viên năm cuối của Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh nhưng vì lý lịch của cha anh mà anh không được tốt nghiệp Đại Học, nhưng khi ra trường anh đã khẳng định được mình nên là một trong những người thành công nhất trong những người Miền Nam ở Thuận Hải lúc đó.
Thế mà anh ra đi đã 21 năm rồi, ngày ăn mừng đất nước giải phóng anh đã cùng bạn bè nhậu nhẹt và cùng đi xe Honda đến thăm anh SC, khi ra về trời đã tối mà mắt anh lại cận thị nên đã đâm vào càng của xe bò rồi tử vong, nếu như anh chỉ cần dịch tay lái một tý thôi là anh G ngồi sau anh sẽ chết thay anh nhưng anh đã không làm thế phải không anh. Anh có biết không những bạn bè cùng đi hôm đó nay đã thành danh, có địa vị trong xã hội, LH bây giờ là giám đốc SKH & ĐT, UNH  là giám đốc Cty CP Tư vấn thiết kế và là tỷ phú , chủ của một trang trại thanh long lớn nhất tỉnh ...và các bạn anh cũng thường xuyên nhớ đến anh và tý nữa thôi em sẽ gọi để các bạn cùng đến thắp cho anh nén hương để nhớ để thương người anh, người bạn tốt năm xưa.
Hai mươi mốt năm rồi mà em vẫn nhớ nụ cười, lời nói, giọng hát của anh ngày nào. Tuy chúng ta không thành vợ thành chồng nhưng anh vẫn xem em như là cô em gái nhỏ của anh và anh vẫn thường xuyên đến thăm gia đình em để động viên em gái hãy vượt qua khó khăn mà vững bước trên con đường đầy chông gai.
Anh Đ thương ơi! Anh hãy yên lòng nơi chín suối vì hai con của anh cũng đã học xong đại học và đã đi làm, vợ anh vẫn một lòng thờ chồng nuôi con, các bạn bè vẫn thường xuyên đến thăm, như thế là hạnh phúc rồi phải không anh ...

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Nỗi buồn “Đại học tại chức”

    Mỗi lần đọc một bài báo nói về Đại học tại chức là mình thấy buồn, vì sao người ta chê bai Đại học tại chức đến thế nhỉ ? Quê mình Đà Nẵng còn không tiếp nhận những người học Đại học tại chức làm cán bộ viên chức Nhà nước nữa chứ, nghe mà buồn …
Vẫn biết rằng có những người học Đại học tại chức đã nhờ người học hộ, mua bằng cấp để khi ra trường không biết một tí gì để làm, có kẻ dùng bằng tại chức để hợp thức hóa cho chức vụ của mình v.v.. và v.v…Nhưng đừng vội vơ đũa cả nắm vì cũng có những người học Đại học tại chức để có kiến thức và có nhiều phát minh, sáng kiến, công việc giúp ích cho đời và hết lòng cống hiến những công trình khoa học kỹ thuật cho đất nước.
  Mình nhớ cách đây 36 năm mình đã mừng rỡ như thế nào trong ngày giải phóng đất nước, gia đình mình đã gặp lại những người thân tưởng chừng như đã không thể, dù sau đó kinh tế gia đình mình rơi xuống vực thẳm nhưng trong thâm tâm vẫn cám ơn những ông “Việt cộng” đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại cho đất nước mà các báo chí trên thế giới vẫn thường ca ngợi. Việt Nam đã hòa bình là niềm mong mõi không của riêng mình mà của cả mọi người yêu hòa bình, yêu đất nước. Hân hoan vì được hòa bình nhưng  cánh cổng trường đại học đã đóng sập lại cho những kẻ có dính líu đến Ngụy quân, Ngụy quyền như mình, cầm sơ yếu lý lịch có chứng thực địa phương mà rưng rưng nước mắt, vẫn biết sẽ không thể nào đậu Đại học nhưng mình vẫn đi thi, vẫn hy vọng khi bài thi làm rất tốt nhưng kết quả là … , hai năm với biết bao lần thi nhưng cũng không qua cửa ải vì con gia đình Ngụy quân, Ngụy quyền. Vẫn phấn đấu, vẫn kiên trì nhưng khi kinh tế gia đình không cho phép mình đành tham gia đi lao động tại Ba Viên để có miếng ăn và khi hoàn thành lao động mình đã thi vào trường Trung cấp kỹ thuật với số điểm khá cao nhưng phải có bão lãnh của 4 người Bà con dạy trong trường mình mới được bước chân vào, 2 năm học mình đã không phụ lòng họ, là lớp phó học tập và học khá giỏi nên thường xuyên được tuyên dương hàng tuần (dù lớp mình chỉ có 03 nữ). Ra trường được phân công đến tỉnh Thuận Hải, Cha Mạ khóc không cho đi vì mình là con gái út nhưng mình cũng cố nuốt nước mắt vào lòng để đi và biết bao gian khổ đến với mình khi không có một người thân bên cạnh, không có một lý lịch trong sạch để vào đời, khi phân biệt đối xử Nam Bắc vẫn còn. Cuộc đời mình là một chuỗi ngày dài chịu đựng và phấn đấu không ngừng, nên hai năm sau mình đã đi học Đại học tại chức tại Hội An, cách xa nơi công tác gần 800Km, cách nhà mình 23 Km, với “thành tích” 5 năm học thì có 2 đứa con, vẫn nhớ bụng mang dạ chửa nhưng mình vẫn không bỏ một kỳ học nào, không bỏ một môn nào, không xin điểm một thầy nào để được tốt nghiệp Đại học tại chức, nhưng đâu phải mình bằng lòng với tấm bằng để không phấn đấu nữa đâu. Mình luôn luôn nghĩ : học để có kiến thức, để biết chổ dở sách khi cần, nên đến nay mình vẫn còn phải học hoài học mãi đấy thôi. Hàng đêm dù đã về nghỉ hưu theo 132 nhưng mình vẫn vào internet đọc các tài liệu để giúp cho kiến thức mình và cho cả công việc của mình hiện tại.
   Cuộc đời mình là thế đấy! nên mình đã không thẹn với tấm bằng Đại học tại chức của mình và cũng rất hãnh diện khi các bạn học của mình đã thành công trong các công trình nghiên cứu, các công trình các bạn đã thiết kế và thi công trên khắp đất nước có hiệu quả và góp phần cống hiến sự nghiệp khoa học kỹ thuật cho Việt Nam.